AMD RX 7600 XT – Đánh Giá Gaming Gear

AMD RX 7600 XT – Trong thế hệ card đồ hoạ mới ra mắt gần đây, có một thực tế là mặc dù các hãng công nghệ đã có định hướng chính xác phân khúc cho các sản phẩm của mình từ trước khi xuất xưởng, sức mạnh ấn tượng của các mẫu card đồ hoạ thế hệ mới này, dù chỉ ở phân khúc tầm trung, không đủ sức “gánh” các tựa game nặng mới ra mắt ở độ phân giải 4K, nhưng vẫn đủ sức chơi các tựa game ra mắt một thời gian ở độ phân giải cao, thậm chí là với thiết lập nhiều màn hình.

Cũng từ đó, việc các mẫu card đồ hoạ tầm trung được trang bị lượng VRAM có phần “khiêm tốn” cũng được các hãng quan tâm nhiều hơn, trang bị cho lượng RAM “khủng long” hơn để đáp ứng nhu cầu này, chẳng hạn như NVIDIA trước đây đã cho ra mắt phiên bản GeForce RTX 4060 Ti 16GB.

Gần đây, trong sự kiện CES 2024, AMD cũng đã cho ra mắt phiên bản AMD RX 7600 XT với mức xung nhịp và RAM đồ hoạ tăng cường so với phiên bản AMD RX 7600 ra mắt hồi giữa năm ngoái.

Tăng dung lượng VRAM đến 8GB, liệu mẫu card đồ hoạ này có thực sự xứng đáng với số tiền bỏ ra?

Hãy cùng người viết tìm hiểu các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

AMD RX 7600 XT - Đánh Giá Gaming Gear

AMD RX 7600 XT – KHÔNG CHỈ DÀNH CHO GAME!

Phiên bản AMD RX 7600 XT mà người viết nhận được là phiên bản Hellhound do PowerColor sản xuất với cấu hình chỉ ở mức cơ bản.

Mẫu card đồ hoạ này có kích thước không quá lớn, nhưng vẫn được trang bị đầy đủ một tản nhiệt với các ống dẫn nhiệt và tấm giáp lưng đóng vai trò trang trí nhiều hơn là nâng đở bảng mạch PCB do bộ tản nhiệt không quá nặng nề.

Là một phiên bản cơ bản, mẫu card đồ hoạ này thậm chí còn không được trang bị đèn LED RGB, mà chủ yếu người dùng có thể bật – tắt đèn LED… màu tím thông qua một nút gạt ở mặt trên card.

Về tổng thể, thiết kế của mẫu card đồ hoạ này không quá ấn tượng, thế nhưng bộ tản nhiệt hai quạt vẫn đủ sức duy trì nhiệt độ cho nhân xử lý ở mức 70 độ C với thử nghiệm Furmark.

Tiến hành thử nghiệm trực tiếp với AMD RX 7600 XT, có thể thấy thông số GPU-Z của mẫu card đồ họa này gần như không khác biệt so với phiên bản AMD RX 7600 ra mắt hồi năm ngoái.

Cụ thể hơn, cả hai mẫu GPU tầm trung này đều có tên mã Navi 33 được chế tạo trên dây chuyền công nghệ 6nm của TSMC với diện tích đế 204mm2, với 2048 bộ xử lý hợp nhất và hoạt động với chuẩn PCIe 4.0 8x mà thôi.

So sánh với phiên bản ra mắt trước đó, AMD RX 7600 XT sở hữu đến 16GB GDDR6 ở cùng mức xung nhịp cũng như xung nhân và xung boost đều cao hơn đôi chút, ở mức 2539MHz/2810MHz so với mức chỉ 2250MHz/2655MHz trên AMD RX 7600.

Như vậy, hoàn toàn có thể dự đoán rằng phiên bản card đồ hoạ mới ra mắt chỉ nhỉnh hơn đôi chút về mặt sức mạnh ở các thử nghiệm thông thường độ phân giải 1080p mà thôi.

Khi thử nghiệm trên thực tế, với phép thử 3DMark, AMD RX 7600 XT cho kết quả nhỉnh hơn so với phiên bản AMD RX 7600 đôi chút khi đạt mức 31,958 điểm trên phép thử 3DMark FireStrike, và 11,413 điểm trên 3DMark TimeSpy, so với mức điểm số lần lượt 31,907 điểm và 10,935 trên phiên bản trước đó.

Riêng với phép thử dựng hình công nghệ Ray Tracing 3DMark PortRoyal cho thấy mẫu card đồ họa tầm trung thế hệ mới của AMD mạnh hơn phiên bản tiền nhiệm khoảng 10% khi đạt số điểm 5,911.

AMD RX 7600 XT - Đánh Giá Gaming Gear

Khi thử nghiệm trên các game thực tế, dễ thấy, với các tựa game sử dụng gói dữ liệu “hi-res texture” là các vân bề mặt độ nét siêu cao như Far Cry 6 hay God Fall chiếm dụng nhiều bộ nhớ đồ hoạ, AMD RX 7600 XT tận dụng được tối đa ưu thế lượng lớn RAM đồ hoạ của mình, trong khi với các tựa game khác, mức chênh lệch là không quá rõ ràng.

… với phép thử 3DMark, AMD RX 7600 XT cho kết quả nhỉnh hơn so với phiên bản AMD RX 7600 đôi chút

Tuy nhiên, lượng RAM đồ hoạ cao còn mang đến lợi thế cho mẫu AMD RX 7600 XT khi sử dụng các tác vụ AI trên máy.

Cụ thể hơn là khi thử nghiệm với tác vụ Stable Diffusion, mẫu card đồ hoạ mới ra mắt này hoàn thành còn nhanh hơn một chút so với “đàn anh” AMD RX 7700 XT hay GeForce RTX 3080 của thế hệ trước dù thua sút về sức mạnh.

Nhìn chung, với cùng thông số kỹ thuật về nhiều phương diện, AMD RX 7600 XT không mạnh hơn quá nhiều so với AMD RX 7600 ở phần lớn các tựa game, thế nhưng nếu bạn ưa thích các tựa game thế giới mở hay sử dụng cho các tác vụ AI thì mức răng bộ nhớ đồ hoạ chắc chắn sẽ đem đến sự khác biệt.

AMD RX 7600 XT- CÔNG NGHỆ HYPR-RX VÀ AMD FLUID MOTION FRAMES

Một trong những tính năng mà AMD mới cập nhật cho trình điều khiển Adrenaline cùng ra mắt với AMD RX 7600 XT đợt này chính là công nghệ HYPR-RX và Fluid Motion Frames.

Trên thực tế, công nghệ AMD Fluid Motion Frames có tính năng tương tự với DLSS 3.0 Frame Generation của NVIDIA khi tạo ra các khung hình “giả” hoàn toàn thông qua việc tính toán vector chuyển động của các pixel để làm mượt cho các chuyển động nhân vật.

Cũng tương tự như DLSS 3.0 Frame Generation cần đến công nghệ NVIDIA Reflex để giảm thiểu độ trễ hình ảnh, công nghệ Fluid Motion Frames của AMD cũng sẽ cần được bật song song với tính năng Radeon Anti-lag để đem đến trải nghiệm game mượt mà nhất.

AMD RX 7600 XT - Đánh Giá Gaming Gear

Tính năng này hoàn toàn được tích hợp vào trình điều khiển mà không cần đến các nhà phát triển phải tích hợp vào game của mình, thế nên có thể nói tính năng này tương thích gần như mọi tựa game trên thị trường hiện nay.

Thử nghiệm với Assasin’s Creed Mirage, một tựa game vô cùng nặng với hiện tượng trồi sụt khung hình liên tục gây khó chịu cho người chơi, công nghệ AMD Fluid Motion Frames có thể giúp cho chuyển động nhân vật của bạn mượt mà hơn, bất chấp khung hình trồi sụt khi di chuyển trong các “đại cảnh” của thành phố Baghdad thời kỳ cường thịnh.

Khi kết hợp với tính năng AMD FidelityFX Super Resolution (FSR) để tăng tốc độ xử lý khung hình, tạo thành HYPR-RX, chỉ cần nhấn một nút bấm, bạn có thể tăng tốc độ khung hình của bất kỳ tựa game nào lên mức gần gấp hai lần cơ bản.

Nhờ vậy mà cả các tựa game nặng nhất như Starfield cũng có thể hoạt động mượt mà trên AMD RX 7600 XT.

BẠN SẼ GHÉT

AMD RX 7600 XT - Đánh Giá Gaming Gear

MỨC GIÁ KÉM CẠNH TRANH, LỖI TRÌNH ĐIỀU KHIỂN

Nghe thì có vẻ hấp dẫn, thế nhưng mức chênh lệch về giá lên đến gần 60USD giữa AMD RX 7600 XT và phiên bản AMD RX 7600 là đáng để cân nhắc khi hai mẫu card đồ hoạ này không đem lại quá nhiều khác biệt với các tựa game nặng ở độ phân giải 1080p hay 1440p.

Thế nên, nếu như bạn không chơi các tựa game thế giới mở hay sử dụng các tác vụ AI thì phiên bản thường vẫn là lựa chọn lý tưởng hơn rất nhiều.

Cuối cùng, trình điều khiển vẫn là vấn đề muôn thuở với AMD khi trình điều khiển thử nghiệm (Beta) mà nhà sản xuất cung cấp khiến các phần mềm không nhận diện được card hay hoạt động thất thường.

Phải đến tận phiên bản chính thức ra mắt hôm 27/1 vừa qua thì trình điều khiển Adrenaline mới có thể hoạt động tương đối ổn định dù vẫn còn vài lỗi vụn vặt.

Trả lời